Liên tục tăng trưởng trong hai năm đại dịch nhưng đến nửa cuối 2022, các đại lý và các chuỗi cửa hàng xe đạp lại đối mặt khó khăn khi nhu cầu mua xe đạp giảm mạnh. Theo số liệu của các hãng nghiên cứu thị trường, ba năm qua chứng kiến những biến động lớn trong mảng kinh doanh xe đạp và phụ kiện tại Việt Nam.
Thị trường xe đạp "cháy hàng" mùa COVID
Năm 2020, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều ngành nghề và hoạt động mua bán bị đình trệ. Tuy nhiên, việc hạn chế đi lại, không tập trung nơi đông người và các phòng tập thể thao đóng cửa đã khiến nhu cầu sử dụng xe đạp tăng vọt, thậm chí một số đại lý bán xe đã có thời điểm liên tục cháy hàng. Tại cửa hàng bán lẻ xe đạp, nhiều mẫu xe mới bóc ra và lắp ráp, chưa kịp bày lên đã có người đặt mua, doanh số bán tăng trưởng từ 150 - 200% so với thông thường thậm chí có những thời điểm tăng trưởng lên đến 300%. Các mẫu xe bán chạy nhất tập trung ở phân khúc giá từ 4 - 6 triệu đồng.
Không chỉ các đơn vị phân phối, sức nóng của thị trường xe đạp cũng được nhiều doanh nghiệp nhận định là rất tiềm năng. Đặc biệt, dự báo sự gia tăng dân số ở tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ kéo theo nhu cầu đạp xe tăng cường sức khỏe mở rộng hơn, khiến nhiều doanh nghiệp cho rằng, thị trường xe đạp Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt do nhu cầu tăng cao.
Nhu cầu mua xe đạp thực tế không cao như kỳ vọng
Mặc dù được dự đoán có tiềm năng lớn nhưng khi cuộc sống quay trở lại bình thường, nhu cầu với xe đạp của người dân về mức thấp hơn cả trước đại dịch. Năm nay nguồn hàng xe đạp dồi dào, đa dạng mẫu mã, giá tốt, nhiều khuyến mãi nhưng người tiêu dùng không còn mặn mà.
Dự báo sai về nhu cầu thị trường khiến nhiều nhà phân phối xe đạp và các cửa hàng chuỗi bán lẻ xe đạp đối mặt vấn đề hàng tồn kho lớn đồng thời các chi phí tăng cao do kinh tế suy thoái. "Chúng tôi đứng trước cả sức ép phải tăng giá để bù đắp chi phí nhưng đồng thời lại phải giảm giá, khuyến mại để cứu vãn doanh số", đại diện một hãng xe đạp nói.
Khó khăn nhân đôi với tồn kho, chi phí tăng cao
Tồn kho nhiều, tiêu thụ chậm khiến cho các đại lý không còn mặn mà nhập thêm xe đạp nữa, ưu tiên hàng đầu của các cửa hàng xe đạp bây giờ là giải phóng lượng hàng đang có.
Tháng 7 đến tháng 9 hàng năm thường ghi nhận thị trường xe đạp tăng trưởng mạnh do là mùa tựu trường và mùa mua sắm cuối năm. Tuy nhiên, trong quý III và IV/2022, các hãng xe đạp cho biết sức mua đang giảm 50 - 70% so với năm ngoái, và còn thấp hơn cả trước dịch. Diễn biến tại Việt Nam khá giống thị trường toàn cầu khi có mức giảm về doanh số khoảng 50%.
Mặt hàng tiềm năng trong vòng 3 đến 5 năm tới
Mặc dù nhu cầu xe đạp đang giảm mạnh, tuy nhiên thị trường xe đạp vẫn được nhận định là có tiềm năng cao sau 3 đến 5 năm nữa bởi những lý do sau:
Thứ nhất, xe đạp là ngành kinh doanh trường tồn. Khi kinh tế phát triển, thu nhập bình quân của người dân tăng, dân số tầng lớp trung lưu tăng. Nhu cầu đạp xe tăng cường sức khỏe sẽ mở rộng, ngành xe đạp cũng sẽ phát triển theo. Bên cạnh đó, học sinh là đối tượng đang sử dụng xe đạp ngày càng nhiều để đến trường, do đi xe máy tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Thứ hai, xu hướng đô thị hóa ngày càng lớn, các khu dân cư mới được xây lên, hạ tầng giao thông đường bộ phát triển, làn đường dành cho xe đạp cũng sẽ được thiết lập cùng với sự chú trọng của chính phủ cho cuộc sống xanh.
Thứ ba, tắc nghẽn giao thông sẽ được giải quyết bằng hệ thống giao thông công cộng, mật độ xe máy sẽ giảm dần tại các khu trung tâm. Phương tiện đi lại quãng đường ngắn như xe đạp sẽ là sự lựa chọn tối ưu. Các mạng lưới chia sẻ xe đạp dùng công nghệ và ngành xe đạp nói chung sẽ có ảnh hưởng tích cực.
Hy vọng với những tiềm năng trên, thời gian sắp tới thị trường xe đạp sẽ diễn ra sôi động trở lại.