Việc cấm xe máy là một chủ đề đang thu hút sự chú ý của đông đảo người dân, đặc biệt là tại các thành phố lớn.Trong bối cảnh ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông và những thách thức về an toàn, nhiều đô thị đã đưa ra quyết định góp phần giải quyết vấn đề bằng cách cấm hoặc giới hạn việc sử dụng xe máy. Cùng bàn luận về chủ đề này trong bài viết dưới đây.
1. Vì sao lại có đề xuất cấm xe máy trong thành phố
Việc cấm xe máy trong thành phố, đặc biệt là tại thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đã được đề cập từ những năm 2011, tuy nhiên đề án vẫn chưa thể xây dựng tại thời điểm đó. Gần đây, thành phố Hà Nội tiếp tục đề xuất kế hoạch cấm xe máy sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so với dự kiến trước đây. Vậy tại sao lại có đề xuất cấm xe máy?
Xe máy vẫn đang là phương tiện giao thông chính tại Hà Nội và Hồ Chí Minh
Theo nhiều báo cáo và nghiên cứu, việc cấm xe máy lưu thông trong thành phố sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, giảm tắc đường và góp phần thúc đẩy giao thông công cộng, giao thông xanh phát triển, giúp cho cuộc sống người dân trở nên tốt hơn, an toàn hơn, văn minh hiện đại.
Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chí phủ đưa ra:
“Nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030”
Tuy nhiên, để cấm xe máy trong thành phố cần có nghiên cứu chi tiết, xây dựng lộ trình và thực hiện thí điểm để tránh làm xáo trộn đời sống xã hội, gây bất mãn trong nhân dân. Bởi hiện tại xe máy vẫn đang là phương tiện giao thông chính tại Hà Nội và các thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Cấm xe máy tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh có khả thi không?
Hiện nay, thông tin cấm xe máy tại Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh mới đang chỉ là đề xuất chưa có quyết định hoặc lộ trình cụ thể cấm xe máy. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là cấm xe máy có khả thi hay không?
Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay đa số người dân sử dụng xe máy hàng ngày không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là phương tiện để lao động, kiếm sống. Do vậy nếu cấm xe máy thì nhiều người, đặc biệt là người dân nghèo, ngoại tỉnh sẽ gặp vô vàn khó khăn để mưu sinh. Lấy ví dụ đơn giản như hiện nay có hàng chục ngàn lao động đang chạy xe ôm, grab xe máy, nếu thành phố cấm xe máy hoạt động thì lượng lao động này sẽ mất việc và phải tìm công việc khác.
Cấm xe máy thì người dân sẽ đi bằng phương tiện gì? Cũng là thắc mắc của rất nhiều người, khi mà hiện nay hệ thống giao thông công cộng vẫn chưa phát triển, hệ thống xe bus, tàu điện còn ít và chưa kết nối với nhau tốt. Nếu cấm xe máy, thì nhiều người dân sẽ gặp khó khi tìm phương tiện di chuyển, đồng thời số lượng ôtô đổ ra đường sẽ tăng cao cũng sẽ gây ách tắc giao thông và ô nhiễm.
3. Trung Quốc và các nước cấm xe máy đã thu được kết quả như thế nào
Có thể nói Trung Quốc là quốc gia đã đạt được khá nhiều thành tựu từ việc quyết định cấm xe máy tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Quảng Châu, Tây An,.. Sau nhiều năm thực hiện tới nay bộ mặt các thành phố này đã trở nên hiện đại, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng giao thông công cộng được phát triển mạnh mẽ, hoạt động kinh doanh nhộn nhịp sầm suất thu hút lượng lớn khách du lịch.
Một tuyến phố chính tại Trung Quốc, không có sự xuất hiện của xe máy
Bên cạnh Trung Quốc thì cũng nhiều quốc gia khác đã thực hiện việc cấm xe máy trong thành phố như Yangon (Myanma), Jakarta (Indonesia),.. Tuy nhiên việc thực hiện cấm xe máy tại các nước này còn khá loay hoay cũng như hạn chế về khu vực phạm vi áp dụng.
4. Châu Âu có cấm xe máy hay không?
Tại các quốc gia phát triển ở Châu Âu, tổng lượng xe máy tiêu thụ còn ít hơn chỉ tính riêng tại Việt Nam, nguyên nhân bởi họ có cơ sở hạ tầng giao thông công cộng rất phát triển như xe bus, tàu điện ngầm,.. và văn hóa đi bộ, đi xe đạp.
Vậy các quốc gia Châu Âu có cấm xe máy không?
Không có thông tin chính thức nào về việc cấm lưu thông xe máy tại Châu Âu bởi xe máy chỉ chiếm 1 lượng rất nhỏ phương tiện đi lại tại các quốc gia này. Chính phủ các nước cũng đưa ra nhiều chính sách khuyến khích người dân đi xe đạp như hỗ trợ bằng tiền, xây các làn đường riêng cho xe đạp hoặc đi bộ bên cạnh các phương tiện giao thông công cộng khác.
5. Những điều kiện để có thể thực hiện cấm xe máy trong thành phố
Điều kiện đầu tiên phải đạt được trước khi cấm xe máy là cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông công cộng như xe bus, tàu điện phải được đầu tư và đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
“Chỉ có thể bắt đầu tiến trình cấm xe máy khi hệ thống giao thông công cộng đáp ứng được tối thiểu 40% nhu cầu đi lại của người dân” là ý kiến của TS. Nguyễn Xuân Thủy.
Hiện nay phương tiện công cộng chiếm khoảng 17% nhu cầu đi lại, mốc 40% là con số tương đối thách thức và khó đạt được chỉ trong vòng vài năm.
Hình ảnh người dân sử dụng tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông
Thứ 2 là phải quy hoạch tuyến đường, phân làn cho ôtô và làn đường dành riêng cho đi bộ và xe đạp, xe điện. Khi đó người dân sẽ lựa chọn phương tiện thuận tiện nhất khi ra đường, hạn chế việc sử dụng ôtô tăng đột biến cũng như đảm bảo về an toàn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.
Thứ 3 là giải quyết được nhu cầu việc làm cho các lao động thu nhập thấp, và lao động ngoại tỉnh, những người mà chiếc xe máy chính là phương tiện hỗ trợ lao động, kiếm sống hàng ngày. Điều này đòi hỏi sự kết hợp của nhiều bộ ban ngành với những chính sách đồng nhất để đảm bảo an sinh xã hội, tránh những phản ứng tiêu cực từ một bộ phận người dân.
Cần tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho những người đang chạy grab, xe ôm để họ chuyển đổi công việc. Khuyến khích mở rộng hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị, phát triển hệ thống thu mua hàng hóa tận nơi để người dân không cần phải di chuyển trực tiếp vào thành phố.
6. Lộ trình thực hiện việc cấm xe máy
Việc cấm xe máy cần xây dựng lộ trình từng bước tương ứng với tiến trình hoàn thiện và đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông công cộng.
- Hạn chế đăng ký xe máy mới.
- Cấm theo khu vực, ví dụ bắt đầu với 1 số tuyến phố chính trong trung tâm, hoặc những khu vực đã có hệ thống giao thông công cộng phát triển. Sau đó mở rộng dần ra các quận trung tâm, cuối cùng mới mở rộng áp dụng cho toàn thành phố. Quá trình này có thể diễn ra trong nhiều năm, phụ thuộc vào tốc độ phát triển của hệ thống giao thông công cộng.
- Thu phí hoặc cấm xe máy từ ngoại thành vào trong thành phố.
Điều quan trọng nhất của bất kể lộ trình cấm xe máy nào là đảm bảo cuộc sống của người dân không bị xáo trộn quá đột ngột và giảm tối đa những ảnh hưởng tới những người đang phụ thuộc vào xe máy để kiếm sống.
Thành phố không xe máy hoặc xe máy sẽ không phải là phương tiện phổ biến (như Châu Âu) là điều thực sự cần thiết trong tương lai. Do vậy, ngay từ lúc này mỗi người dân thành phố hãy xây dựng dần thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi bộ hoặc đi xe đạp để thúc đẩy quá trình "không xe máy" diễn ra nhanh hơn và dễ dàng hơn.