Giao thông xanh là loại hệ thống giao thông không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Nó không chỉ quan trọng trong thời điểm hiện tại, mà còn cho cả tương lai và cần được phát triển nhiều hơn nữa.Cùng tìm hiểu xu hướng giao thông xanh trong bài viết dưới đây.
Xu hướng phát triển tất yếu
Giao thông vận tải là một khía cạnh mà chúng ta không thể thiếu trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên, các hệ thống giao thông hiện nay đi kèm với một loạt các vấn đề bao gồm sự nóng lên toàn cầu, suy thoái môi trường, các tác động đến sức khỏe và phát thải khí nhà kính. Trên thực tế, lĩnh vực giao thông vận tải quy ra 23% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu do đốt nhiên liệu hóa thạch.
Trong tổng lượng phát thải khí nhà kính, giao thông đường bộ chiếm tỷ trọng lớn, chính xác là 75% và xu hướng này được dự báo sẽ tăng trong tương lai nếu nó tiếp tục không suy giảm.
Trong chiến dịch này, giao thông vận tải là lĩnh vực được nhắm mục tiêu vì nó là yếu tố đóng góp chính vào việc phát thải khí nhà kính. Giải pháp rõ ràng và tức thời cho tình trạng ô nhiễm môi trường bừa bãi này là xanh hóa lĩnh vực giao thông. Đó là lý do dẫn đến khái niệm phương tiện giao thông xanh ra đời.
"Giao thông xanh có thể hiểu là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió…chính là góp phần tham gia giao thông xanh"
Một số ví dụ về giao thông xanh là đi bộ, xe đạp, ô tô, xe đạp điện và xe tay ga điện, xe xanh chạy bằng năng lượng gió, hydro, năng lượng mặt trời hoặc nhiên liệu sinh học, và các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm chạy điện, năng lượng tái tạo,… Những phương tiện này không chỉ tốt cho môi trường mà còn giúp tiết kiệm rất nhiều tiền mà chúng ta phải chi cho xăng hoặc dầu.
Chú trọng vai trò của xe đạp
Trên thực tế, xu hướng phát triển đô thị bền vững trên thế giới đang đề cao vai trò của xe đạp - loại phương tiện xanh, sạch, thân thiện môi trường, hỗ trợ dịch vụ vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Được biết, nhiều thành phố như Copenhagen (Đan Mạch), Amsterdam (Hà Lan), Berlin (Đức), Strasbourg (Pháp), Bắc Kinh (Trung Quốc)… đã định hình lại cơ sở hạ tầng đô thị theo cách khuyến khích xe đạp như xây cầu, làn đường dành riêng cho xe đạp hay có bãi đậu xe cố định cho loại hình này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, xe đạp công cộng có lợi thế rất lớn. Người dân có thể thuê, không cần lo lắng về nơi gửi, sửa chữa, bảo dưỡng… phù hợp với những quãng đường ngắn một vài cây số và phương tiện này sẽ là lựa chọn hàng đầu của dân công sở, học sinh, sinh viên, khách du lịch. Quan trọng hơn nữa, xe đạp là loại hình phương tiện xanh, không gây ô nhiễm môi trường, khi lưu thông ít có khả năng gây áp lực cho giao thông đô thị nói chung.
Theo các chuyên gia, không chỉ ở nhiều nước trên thế giới mà tại các đô thị của Việt Nam cũng có rất nhiều tiềm năng. Nhất là khi các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã và đang hình thành tuyến đường sắt đô thị, rất cần loại hình kết nối như xe đạp phát triển song hành. Phát triển hệ thống vận tải công cộng bằng xe đạp đô thị đến thời điểm này là cần thiết đối với Hà Nội.
Thực tế đặt ra vấn đề rằng: Để phát triển được xe đạp công cộng, trước hết và quan trọng nhất là phải tạo được môi trường an toàn, an ninh từ đó mới thu hút đông đảo người dân, du khách sử dụng xe đạp công cộng. Cần tạo ra những làn đường dành riêng, vị trí giao cắt cần được thiết kế để hỗ trợ phương tiện xe đạp lưu thông được hiệu quả, hợp lý.
Bên cạnh đó, để triển khai bài bản, bền vững, đòi hỏi chính quyền đô thị phải xác định được tầm nhìn, mục tiêu phát triển. Từ đó chuẩn bị điều kiện về hạ tầng, về chính sách ưu tiên sử dụng đường riêng, chính sách đảm bảo an toàn, an ninh cho người sử dụng…
Thành phố Hà Nội cũng cần có chính sách xây dựng hệ thống hạ tầng mang tính chất định hướng cho phát triển xe đạp tại khu vực trung tâm đô thị rồi phát triển rộng dần. Nếu không có những vỉa hè đủ lớn hay tuyến đường có mặt cắt ngang rộng để bố trí làn đường cho xe đạp thì khi tham gia trong dòng hỗn hợp, phương tiện xe đạp cần có chính sách ưu tiên bằng hệ thống biển báo, chỉ hướng, vạch chỉ đường...